Trang chủ» Kiến thức bơi lội

Tại sao bơi lội lại tốt với người bệnh đau lưng?

(18-04-2014, 1:51 pm)

 Điều trị bệnh đau lưng là cả một quá trình kết hợp rất nhiều phương pháp vật lý trị liệu, châm cứu, bấm huyệt, dùng thuốc và kết hợp với tập luyện thể dục thể thao. Một trong những môn thể thao rất tốt cho bệnh đau lưng là môn bơi lội.

Mỗi phương pháp chữa đau lưng sẽ phù hợp với từng người. Những người đau dạ dày hành tá tràng thì không thể dùng thuốc chống viêm giảm đau vì có thể gây biến chứng như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày.

Còn những người có khối u nhiễm trùng và gãy xương thì không thể dùng phương pháp xoa bóp cột sống hay vật lý trị liệu.

Luyện tập thể dục thể thao với một số môn thích hợp có thể giảm đau lưng hiệu quả và ít tái phát. Tuy nhiên khi bạn đã áp dụng các bài tập luyện thì cần đòi hỏi sự quyết tâm,  kiên trì tập luyện theo sự chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc.

Tập luyện phải theo nguyên tắc là thong thả, nhẹ nhàng, không gây đau. Tập đúng động tác, kết hợp thở sâu, nhịp nhàng, nâng dần cường độ để tăng tính linh hoạt của cột sống, sức mạnh của các khối cơ và dây chằng ở vùng lưng, tạo sự cân bằng các tư thế cột sống, giảm dần cảm giác đau. Giai đoạn đầu, có thể kết hợp dùng thuốc giảm đau, sau đó bỏ thuốc, chỉ kết hợp tập luyện và xoa bóp.

Thời gian đầu, tập các bài kéo giãn và tăng độ linh hoạt của các khớp cột sống; sau khi cảm giác đau giảm hay biến mất thì tập các bài củng cố cơ và dây chằng ở vùng lưng.

Sau một thời gian tập các bài tập thể dục chữa bệnh thường xuyên, sức khỏe đã có sự cải thiện nhất định, triệu chứng đau lưng giảm nhiều thì có thể kết hợp với tập bơi, đi bộ nhanh hay đi bộ nhanh kết hợp luân phiên chạy bước nhỏ. Trong đó, tập bơi là phương pháp tập luyện phù hợp nhất vì ở những người đau thắt lưng do bệnh lý, việc tập đi bộ nhanh hay chạy bước nhỏ làm gia tăng gánh nặng đối với các khớp và có thể làm cho tình trạng bệnh lý ở các khớp cột sống trầm trọng hơn.

Tại sao bơi lội lại tốt với người bệnh đau lưng?

Bơi lội cũng có thể chữa đau lưng

Trong môi trường nước, lực hấp dẫn (trọng lực) giảm. Khi bơi, hầu như các khớp ở chân và cột sống không chịu tác động của trọng lượng cơ thể. Chức năng hệ thống tim mạch và hô hấp được củng cố, phát triển sức bền chung mà không ảnh hưởng đến các khớp. Hơn nữa, trong quá trình tập bơi, các nhóm cơ lưng được củng cố, các khớp được nuôi dưỡng tốt hơn, có thể kìm chế và giảm quá trình thoái hóa ở các khớp, giảm tần suất tái phát của bệnh.

Do đặc thù của môi trường nước, gánh nặng lên hệ thống tuần hoàn khi tập bơi thấp hơn so với khi tập chạy. Bởi vậy, để đạt được hiệu quả rèn luyện sức khỏe của tập bơi, phải dần dần phát triển tốc độ bơi đủ lớn để tần số mạch đạt trên 125-130 nhịp/phút. Các động tác hít vào và thở ra khó khăn do áp lực của nước lên ngực người bơi, bởi vậy tập bơi giúp phát triển hệ thống hô hấp và gia tăng dung tích sống của phổi.

Béo phì cũng là một nguyên nhân gây đau cột sống thắt lưng, đau các khớp chân do lượng mỡ thừa tạo ra gánh nặng bổ sung lên các cơ và khớp, đặc biệt là khớp gối, khớp háng và cột sống thắt lưng. Khi bơi, sự tiêu hao năng lượng cao hơn khoảng 4 lần so với đi bộ cùng tốc độ nên tập bơi cũng là một phương pháp tuyệt vời để giảm trọng lượng thừa của cơ thể. Ngoài ra, môi trường lạnh của nước còn có tác dụng nâng cao khả năng chống đỡ của cơ thể đối với các yếu tố bất lợi của môi trường (nóng, lạnh…) do cơ thể được tôi luyện.

Khi tác động lên các thụ thể trên da, nước làm tăng hoạt tính của các dòng điện sinh học, làm cho các tế bào thần kinh hoạt động mạnh hơn, cân bằng các quá trình hưng phấn và giảm ức chế của vỏ não, nhanh chóng loại bỏ những dấu vết mệt mỏi do làm việc trí óc căng thẳng.

Để tập bơi đạt hiệu quả chữa bệnh và củng cố sức khỏe, cần tập 3 buổi trong một tuần (cách ngày), nâng dần thời gian tập để mỗi buổi có thể kéo dài 25-30 phút. Tập luyện phải thường xuyên, liên tục. Tăng tốc độ bơi dần dần vào các buổi để khi bơi, tần số mạch đạt 125-130 nhịp/phút.