Trang chủ» Kiến thức bơi lội

3 giai đoạn nín thở và cách nín thở khi lặn, bơi của con người

(18-06-2014, 3:10 pm)

Trung tâm dạy bơi Tswimming lại tiếp tục với Series bài viết về kiến thức để các bạn làm chủ mình dưới nước. Bạn đang thắc mắc, khi ở dưới nước thì con người sẽ nín thở qua các bước nào, giai đoạn nào. Mọi lần mình đều chia sẻ cho các bạn kiến thức bơi lội nhưng hôm nay, vô tình đọc được 1 bài viết rất tuyệt vời về lặn, xin đưa ra để các bạn hình dung rõ hơn về phần này nhé.

Câu hỏi như sau : Con người khi nín thở sẽ trải qua những giai đoạn nào?

Câu trả lời sẽ là: Có 3 giai đoạn điển hình mà một người nín thở sẽ trải qua trong mỗi lần nín thở [xem hình] ?


Giai Đoạn 01: Giai đoạn thanh thản.

Giai đoạn đầu tiên là lúc chúng ta cảm thấy thoải mái nhất, nhẹ nhàng nhất, và nhiều người hoàn toàn không cảm thấy là mình đang nín thở.


Giai đoạn 02: Giai đoạn co thắt.

Sau một thời gian nín thở, não ra lệnh "hãy thở đi", và chúng ta bắt đầu thấy khó chịu trong lồng ngực, bụng và cơ hoành bắt đầu co thắt. Cảm giác khó chịu và co thắt ngày càng mạnh, kèm theo nhiều cảm giác khác như ớn lạnh, cảm giác quặn bụng như sắp đi cầu, đổ mồ hôi lạnh, v.v.

Tuỳ từng người mà cảm giác và độ co thắt có khác nhau, nhưng cả thảy đều do chúng ta đang chống lại mệnh lệnh của não rằng "hãy thở đi, CO2 nhiều quá rồi!" Thế nên cách đơn giản nhất để thấy dễ chịu hơn là đừng chống lại phản ứng co thắt. 

Bạn có thể "chủ động co thắt" hay "hít thở nội bộ" [cơ hoành, cơ bụng, cơ ngực chuyển động như hít vào thở ra] để vừa "đánh lừa não" rằng mình đang hít thở vừa tạo hiệu ứng phụ "trộn khí" trong phổi và "nén khí" đưa O2 vào trong máu. Thông thường thì giai đoạn co thắt này dài tương đương với "Giai đoạn thanh thản" [thấy rõ nhất trong khi nín thở tĩnh - static]. Chỉ có một số ít người rất đặc biệt thì có "Giai đoạn co thắt" ngắn [chỉ hơi co thắt rồi trở lại thanh thản] hoặc thậm chí không có. 

Ngoài phản ứng co thắt và các cảm giác khó chịu trong bụng do não thấy dư CO2 ra, ở gần cuối giai đoạn này [nếu có vận động] chúng ta sẽ cảm thấy những cảm giác ở tay chân báo thiếu O2 như lạnh tứ chi, nhức mỏi [acid lactic tích tụ], và nặng hơn là tê tay chân. Lúc đó, máu của chúng ta đang dồn về trung tâm để nuôi tim và não, nên chúng ta phải vận động hết sức nhẹ nhàng và tiết kiệm [rất dễ bị vọp bẻ / chuột rút]. 

Đối với người tập nín thở thì đây là giai đoạn cực nhọc nhất nhưng chúng ta nên trân trọng nó, vì đó là cái "áo giáp" che chở chúng ta khỏi những nguy hiểm ở giai đoạn tiếp theo.

Kiến thức bơi lội, các nín thở khi bơi, lặn

Giai đoạn 03: Giai đoạn mơ màng.

Co thắt một hồi thì có vẻ như chúng ta đã "quen" rồi và không thấy nặng nề nữa [mặc dù nhịp độ có thể vẫn tiếp tục tăng]. Thực ra là não chúng ta đang thiếu O2 nên đã giảm phản ứng và làm cho cảm giác bị nhoè đi.

Khi tới đây, các vận động viên nín thở tĩnh [static] bắt đầu phải mở mắt ra để kiểm tra xem khung cảnh trước mắt có còn sắc nét không, lỗ tai còn nghe rõ không, và trong đầu thử làm các phép suy luận đơn giản như cộng trừ nhân chia, nhớ xem mình đang ở đâu, hôm qua đã làm gì, ... để kiểm tra độ tập trung của ý thức. 

Qua tập luyện, những vận động viên static có thể kéo dài giai đoạn này ra mười mấy giây, đến cả nửa phút trước khi bị bất tỉnh [họ phải dừng nín thở trước khi bất tỉnh]. Tuy nhiên, khi chúng ta có vận động thì giai đoạn này ngắn hơn nhiều, và đặc biệt là khi chúng ta đang ngoi lên từ dưới sâu.

Khi đó chúng ta sẽ thấy rõ cảm giác "choáng" như khi đang ngồi/nằm lâu rồi đột ngột đứng dậy, kèm theo có thể là khung cảnh nhoè đi, tai nghe không rõ, và mất trí nhớ ngắn hạn. Lúc đó chúng ta chỉ còn cách điểm bất tỉnh vài giây thôi, nên phải dừng ngay việc nín thở [nếu đang dynamic], hoặc giảm ngay cường độ vận động nếu đang trồi lên từ dưới sâu.

Và hơi thở đầu tiên tuyệt đối không được thở ra hết [cùng lắm là nửa phổi thôi], tiếp theo là hít vào và gồng mình nén hơi để ép O2 vào máu, rồi thở ra hết, hít vào sâu, nén hơi,... lặp lại khoảng 3 lần. Thao tác thở kết hợp nén hơi đó được gọi là "thở móc câu" [hook breathing] vì chúng ta không thở suôn tuột mà phải "móc" lại sau mỗi lần hít vào. Để tiện thở móc câu thì nhiều freediver xả bớt khí ra ngay trước khi trồi lên mặt nước để hơi thở đầu tiên là hít vào chứ không phải thở ra. 

Nếu sau khi nín thở mà bạn lại ngáp thì cũng đừng bất ngờ, vì đó là phản xạ tự nhiên khi não chúng ta bị thiếu oxy.

>>> Hiểu rõ các giai đoạn khi nín thở để freediver thực hành đúng cách. Có nhiều freediver quan niệm rằng mình chỉ lặn chơi trong khoảng thời gian ngắn và lặn không sâu nên sẽ chẳng bao giờ gặp những thứ "tai nạn" như bất tỉnh [blackout] hay các phản ứng của phản xạ lặn như máu dồn về trung tâm... 

>> Nếu không hiểu rõ thì cái sai có thể đến từ mọi nẻo và chẳng có quy tắc an toàn nào có thể ngăn chặn được.

Tham khảo thêm các bài viết: Kỹ thuật bơi ếch , Kỹ thuật bơi sải  , Kỹ thuật bơi bướm


Toàn bộ nguồn bài viết được lấy từ Fanpage: Viet Divers

Tác giả: [Định ComputerBoy - Viet Divers sưu tầm]