Trang chủ» Kiến thức bơi lội

3 tác dụng và 5 điều cần lưu ý trong bơi lội

(02-05-2014, 5:20 pm)

Nhằm bổ sung kiến thức bơi lội cho người đã đang và sẽ học bơi Tswimming chia sẻ bài viết, 3 tác dụng và 5 điều cần lưu ý trong bơi lội.

A - Tác dụng của Bơi Lội

Nước có tác dụng quan trọng đối với da như một chiếc máy điều chỉnh, nước tác dụng vào da và qua đó ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống trung ương thần kinh và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Môn thể thao bơi lội đã được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đánh giá cao về khả năng phòng, chống một số bệnh tật rèn luyện cơ bắp và một số nội tạng, tạo cho con người có một cơ thể khỏe mạnh và thân hình cân đối. Khi bơi lội người ta ngâm mình trong nước, nước tác động lên các cảm thụ thể trên da làm tăng hoạt tính của các dòng điện sinh học, làm cho các tế bào thần kinh hoạt động mạnh hơn.

Mặt khác còn chịu ảnh hưởng tổng hợp của nhiều yếu tố: tia bức xạ mặt trời, nhiệt độ và độ ẩm của không khí, gió và sự chà xát của nước lên da. Sức nóng của ánh nắng trên mặt nước, độ mát của nước luân phiên nhau tác dụng trực tiếp lên da kích thích thần kinh và các bộ phận trong cơ thể, làm cân bằng các quá trình hưng phấn và giảm ức chế của vỏ não, mau chóng loại bỏ những dấu vết mệt mỏi do làm việc trí óc căng thẳng, tinh thần phấn chấn, minh mẫn. Do đó bơi lội giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức chống đỡ, tăng tính thích nghi với mọi sự thay đổi của thời tiết và hoàn cảnh sống.

Đi bơi để phòng tránh bệnh, tăng cường sức khỏe

 

Các chuyên gia về sức khỏe còn cho rằng, bơi lội có thể chữa được một số bệnh.

 

    1. Phòng và chữa bệnh khớp: 

      Trong khi bơi do phải trườn người lên phía trước, phải vận động mạnh toàn bộ hệ thống cơ bắp, giúp cho các cơ bắp dẻo dai săn chắc, ngực nở nang. Khi bơi hầu như các khớp ở chân và cột sống không chịu tác động của trọng lượng cơ thể, sự vận động điều hòa của các cơ lưng vai sẽ kéo căng cột sống giữ cho cột sống luôn ở tư thế sinh lý bình thường, các đốt sống cũng được chun giãn tốt, làm cho cột sống tăng tính đàn hồi linh hoạt, các nhóm cơ lưng được củng cố, các khớp được nuôi dưỡng tốt hơn. Qua đó, nếu bơi lội được thường xuyên sẽ có thể kiềm chế quá trình thoái hóa ở khớp, giảm tần suất tái phát của bệnh. Đặc biệt, người cao tuổi hay bị đau lưng thì bơi lội là phương pháp lý tưởng để giảm đau.

    2. Với phổi và tim mạch:

      Bơi lội làm phổi khỏe lên rõ rệt. Do áp lực của nước lên ngực người bơi, làm hạn chế động tác hít vào thở ra cho nên cần phải thở mạnh, giúp phát triển hệ thống hô hấp và làm tăng dung tích sống của phổi. Nhiều vận động viên bơi lội có dung tích này tăng hơn bình thường từ 1,5 - 2 lít. Dung tích sống của phổi càng cao thì khả năng lao động càng bền bỉ, vận động càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho hô hấp và làm giảm các cơn hen phế quản, nhất là đối với người nghiện thuốc lá.

    3. Bơi lội cũng là phương pháp tốt để điều hòa huyết áp, tuần hoàn máu tốt hơn:

      Theo bác sĩ Jousselin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc gia về thể dục (Pháp) thì khi bơi cơ thể nằm thẳng dưới nước sẽ làm cho máu từ chân về tim, não tốt hơn. Chính vì thế mà mùa hè đi bơi sẽ tránh được các bệnh tim mạch. Còn bác sĩ De Montherla cho biết: Về mùa hè số người đi bơi tăng, thì số người khám hoặc cấp cứu vì bệnh tim mạch giảm hẳn đi.

      Đối với những người quá mập, bơi lội là một phương pháp tuyệt vời. Do lực cản và tính chất dẫn nhiệt của nước lớn nên tiêu hao năng lượng khá cao (gấp khoảng 4 lần so với đi bộ cùng tốc độ) nên nó cũng có tác dụng tốt giảm trọng lượng thừa của cơ thể, chống béo phì. 

 

 

Tác dụng của bơi lội đối với sức khỏe

B - Cần lưu ý điều gì?

Bơi lội tuy rất tốt cho sức khỏe, nhưng để an toàn cũng phải lưu ý một số vấn đề sau:

 

  1. Sau khi lao động mồ hôi đang ra nhiều không nên nhảy xuống nước bơi lội ngay, vì dễ bị cảm lạnh đột ngột, thậm chí có thể bị ngất xỉu mà trong nhân dân gọi là “trúng nước". Nguyên nhân do cơ thể không kịp phản ứng trước sự thay đổi nhiệt độ nóng, lạnh quá bất ngờ. Đây là lý do chính làm cho người biết bơi cũng gặp nguy hiểm ngay ở chỗ nước nông.

    Khác với những người bị chết đuối do phổi đầy nước, những người bị “trúng nước” đã bị ngất trước rồi sau mới bị ngạt thở. Bởi vậy, nếu đang ra nhiều mồ hôi nên nghỉ ngơi ít phút cho đến khi hết mệt, người ráo mồ hôi hãy xuống nước bơi lội. Khi xuống nước cần vận động nhẹ nhàng vài phút cho cơ thể thích nghi với nước rồi hãy bơi

  2. Người yếu không nên bơi lội lúc đói, người khỏe thì có thể tắm, bơi cả lúc đói. Thời gian tắm và bơi lâu hay mau là tùy theo sức khỏe từng người. Nhưng nói chung không nên bơi, tắm đến lúc cảm thấy mệt mỏi hoặc người nổi gai ốc vì lạnh.
  3. Để tránh chuột rút (vọp bẻ) trong khi tắm không nên bơi quá lâu, vận động quá sức, quá mạnh, chân đạp nước quá nhiều, đề phòng cơ bắp dễ bị co cứng (chuột rút) đột ngột.
  4. Trong những ngày hè tắm, bơi tốt nhất là ở sông, biển. Nhưng bơi ở những nơi này phải tự lượng sức mình, không bơi quá xa nhất là chỗ nước sâu, nước chảy xiết, hoặc có sóng lớn, đề phòng tai nạn chết đuối.
  5. Những người bệnh tăng huyết áp có thể bơi lội, nhưng chỉ bơi nhẹ nhàng, nước hồ hơi mát, không lạnh để tránh co mạch ngoại vi đột ngột làm tăng huyết áp. Không tắm nắng kéo dài. Với một số trường hợp bệnh nặng, cần phải được khám bệnh và có sự theo dõi, hướng dẫn chu đáo của thầy thuốc trước khi luyện tập bằng bơi lội.

 

Nói chung, để việc bơi lội có hiệu quả chữa bệnh và tăng cường sức khỏe, tập luyện phải thường xuyên, liên tục, ít nhất là 3 buổi/tuần. Bạn có thể xem hướng dẫn của Tswimming về kỹ thuật bơi ếch cơ bản nhằm nắm bắt kiến thức cơ bản khi xuống nước. Bạn cần lượng sức mình, không nôn nóng, nâng dần thời gian mỗi buổi tập cho phù hợp với sức khỏe.